Danh mục bài viết
Những tháng đầu năm là thời điểm xuất hiện nhiều trào lưu sức khỏe mới lạ. Sau gần ba năm đại dịch bùng phát, cộng đồng chú trọng đến các vấn đề về sức khỏe tinh thần, thay đổi lối sống để có sức khỏe tốt hơn.
1. Bổ sung Adaptogens từ thảo mộc
Adaptogens là những chất tự nhiên có trong một số loại thực vật, giúp tăng cường lợi ích sức khỏe, giúp cơ thể đối phó với những căng thẳng của cuộc sống hiện đại, chẳng hạn lo lắng và mệt mỏi. Chúng tăng cường khả năng miễn dịch, giúp con người phục hồi nhanh chóng sau chấn thương.
Adaptogens được tìm thấy nhiều trong các loại thảo mộc như nghệ và nhân sâm, nổi tiếng với đặc tính kháng viêm mạnh mẽ. Chất này cũng có tác động tích cực đến quá trình trao đổi chất, giúp não phản ứng với căng thẳng, tăng cường chức năng miễn dịch.
Adaptogens cũng được tìm thấy trong nấm, giúp giảm căng thẳng và ngăn ngừa viêm nhiễm. Một trong những thức uống được chú ý nhiều trong năm 2023 là cà phê nấm. Đây là loại cà phê được bổ sung thêm nấm chaga, nấm linh chi, nấm hầu thủ, nấm vân chi,…
2. Tập thể dục kiểu “ăn vặt”
Giống với việc nhấm nháp một chiếc bánh quy khi về chiều, tập thể dục kiểu “ăn vặt” chỉ việc thực hiện các hoạt động thể chất nhỏ, thời gian ngắn rải rác trong ngày. Trái ngược với những bài tập nặng, kéo dài khoảng 30 phút, tập luyện kiểu “ăn vặt” được phát triển từ các động tác riêng lẻ trong một bài tập cường độ cao như (HIIT) và bài tập nước rút ngắt quãng (SIT). Mỗi hoạt động chỉ kéo dài vài phút, đôi khi là một phút.
Người tập có thể thực hiện những động tác đơn giản như chạy bộ tại chỗ, bật nhảy, ngồi xổm hoặc gập người. Tập thể dục kiểu “ăn vặt” cũng có thể được tích hợp trong cuộc sống thường ngày, chẳng hạn đi cầu thang bộ thay vì thang máy, làm việc nhà, duỗi người hoặc đi bộ nhanh trong giờ nghỉ giải lao.
Nghiên cứu gần đây cho thấy tập thể dục kiểu “ăn vặt” rất tốt cho sức khỏe tim mạch. Chúng thúc đẩy mọi người vận động suốt cả ngày, thay vì chỉ ngồi yên và dốc sức vào vài giờ đồng hồ tại phòng gym.
Người dân tại “Vùng xanh” của thế giới – khu vực có tuổi thọ trung bình trên 90, thường tập luyện một cách thường xuyên và nhất quán theo hình thức này. Họ đưa việc tập thể dục vào cuộc sống hàng ngày một cách tự nhiên thông qua các hoạt động như làm vườn, đi bộ. Thói quen này giúp giảm nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, tiểu đường và tim mạch.
Quan tâm: 4 loại thực phẩm giúp chữa khỏi những chứng ‘bệnh nhà giàu’
3. Lối sống “tò mò tỉnh táo” không rượu bia
Trong cuốn sách Sober Curious: The Blissful Sleep, Greater Focus, Limitless Presence, and Deep Connection Awaiting Us All at the Other Side of Alcohol xuất bản năm 2018, tác giả Ruby Warrington định nghĩa “tò mò tỉnh táo” (sober curious) là lối sống hạn chế sử dụng đồ uống có cồn. Thuật ngữ này dùng để chỉ những người đang lựa chọn xa rời các buổi nhậu, từ chối những lời mời uống rượu hoặc văn hóa nhậu nhẹt.
Người sống “tò mò tỉnh táo” không kiêng khem hoàn toàn rượu bia, họ chỉ thay đổi mối quan hệ của bản thân với thức uống này. Đây cũng là lý do người trẻ tuổi hiện nay chọn các loại mocktail (đồ uống không cồn) thay vì cocktail (đồ uống có cồn) khi đến các buổi tụ tập bạn bè.
4. Nhìn ngắm bầu trời chữa lành tinh thần
Thuật ngữ “skychology” được nhà tâm lý học Paul Conway nhắc đến lần đầu năm 2020, chỉ hoạt động nhìn ngắm bầu trời để chữa lành tâm hồn. Conway cho biết việc ngước nhìn lên bầu trời trong khoảng thời gian nhất định “ngay lập tức làm dịu tâm trạng, góp phần mang lại trải nghiệm hạnh phúc, là một hình thức tự điều chỉnh cảm xúc có hiệu quả cao, thúc đẩy cảm giác kết nối”.
Ngắm bình minh hoặc hoàng hôn cũng là hình thức thiền định hiệu quả, mang lại giấc ngủ ngon. Tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên vào buổi sáng giúp điều chỉnh lại đồng hồ cơ thể.